CỤ THỂ Quy tác đánh số đầu dây tủ điều khiển

Quy tắc đánh số đầu dây tủ điều khiển

Với bài viết này sẽ liệt kê và đưa ra đánh giá chủ quan về các quy tác đánh số đầu dây tủ điều khiển phổ biến hiện nay. Quan điểm đưa ra nhiều khi không đúng trong một số trường hợp hoặc thiết kế mang tính chất đặc thù nào đó.

Vài Quy tác đánh số đầu dây tủ điều khiển có thể được kể đến như sau:

  • Đánh số thứ tự tăng dần;
  • Đánh số theo tên thiết bị chủ;
  • Đánh số theo số trang vẽ;
  • Đánh số theo tên thiết bị đầu và cuối

1_ Đánh số dây theo tứ tự tăng dần

Ví dụ từ 001 đến 999, từ trang đầu đến trang cuối của dự án.

Ưu điểm:

  • Giúp người thiết kế hoàn thiện nhanh bản vẽ.
  • In số ống lồng đầu cốt nhanh chóng.
  • Tủ điện nhìn gọn gàng vì ống lồng có chiều dài như nhau, tính thẩm mỹ cao.

Nhược điểm:

  • Khi bản vẽ có chỉnh sửa, hoặc thay đổi (thêm dây điều khiển, thêm thiết bị, thêm trang vào giữa bản vẽ dự án…) thì các số dây sẽ bị ảnh hưởng, buộc người thiết kế phải xóa, sửa lại thông tin trên bản vẽ, mất nhiều thời gian. Cách đánh số này chỉ phù hợp khi bản vẽ đã hoàn tất và ít thay đổi sau đó.
  • Nếu số lượng dây nhiều, việc bảo trì, chẩn đoán tín hiệu trên tủ sẽ mất nhiều thời gian hơn, do bạn phải phụ thuộc, rà soát tìm kiếm trên bản vẽ.

Khuyến nghị nên dùng cách này cho các dự án nhỏ.

2_ Đánh số theo tên thiết bị chủ

Ví dụ: A1.001 – A1.999. Một khu vực sẽ có 1 thiết bị chủ đạo làm trọng tâm (có thể là PLC), các số dây được đánh theo định dạng, với tiếp đầu ngữ (prefix) là nhãn của thiết bị chính đó, sau dấu chấm sẽ là số thứ tự.

Ưu điểm:

  • Số dây được chia nhỏ thành nhiều khu vực, thiết kế thuận tiện hơn.
  • Việc chỉnh sửa trên bản vẽ mất ít thời gian hơn, do được chia nhỏ thành nhiều phần.
  • Việc thi công, giám sát, chẩn đoán lỗi, bảo trì hệ thống, tìm thông tin trên bản vẽ dễ dàng hơn cách 1 ở trên, nhưng chưa phải là tốt nhất.
  • Bản vẽ dễ đọc và quản lý hơn.

Nhược điểm:

  • Sẽ mất thời gian chỉnh sửa số dây nếu bản vẽ thêm trang, thay đổi số lượng thiết bị.
  • Thiết kế có lợi về mặt thời gian cho người vẽ nhưng chưa hỗ trợ tốt cho người thi công đấu nối tủ điện (điều này sẽ được phân tích ở cách tiếp theo).

3_ Đánh số theo số thứ tự của trang vẽ

Ví dụ: trang đầu tiên có số là 01 thì số thứ tự dây điều khiển trang sẽ có định dạng 01.01 đến 01.99, tương tự cho trang 02 sẽ là 02.01 đến 02.99.

Ưu điểm:

  • Việc tìm kiếm thông tin trên bản vẽ khi giám sát thi công, bảo trì hệ thống được nhanh, dựa vào số dây trên tủ điện có thể tìm đến vị trí tương ứng trên bản vẽ nhanh chóng.
  • Khi thay đổi số dây, thêm bớt thiết bị trong nội bộ trang không ảnh hưởng đến các trang khác.

Nhược điểm:

  • Khi thêm bớt trang sẽ ảnh hưởng đến các số dây còn lại, tính trừ trang thay đổi trở về sau, việc bắt buộc phải chỉnh sửa số dây cũng giống như 2 trường hợp đã nói ở trên.

4_ Đánh theo tên thiết bị

Cụ thể hơn, số dây theo định dạng này thể hiện thông tin tên và chân đấu nối của thiết bị đầu và đích. Ví dụ nối 1 sợi cáp từ terminal XDC1 chân số 1 đến tiếp điểm phụ của rờ le R1 chân số 13 thì dây điều khiển này sẽ là XDC1.1-R1.13.

Ưu điểm:

  • Việc đọc bản vẽ cực kỳ thuận tiện, nhìn vào số dây có thể biết ngay chính xác tên/chân của thiết bị đầu và cuối.
  • Khi thi công đấu nối tủ, người thực hiện ít phụ thuộc vào bản vẽ, đọc số dây sẽ biết ngay vị trí cần đấu nối.
  • Việc bảo trì, chẩn đoán lỗi hệ thống cũng dễ dàng hơn. Ví dụ, nếu đầu dây có bị rớt ra, có thể nhận diện ngay vị trí đấu nối lại mà không cần phải dò tìm/đọc lại bản vẽ; hoặc tháo ra/lắp lại đầu dây nhanh chóng trong việc cách ly/nối lại để kiểm tra tín hiệu…
  • Số dây chỉ cần điền vào bản vẽ 1 lần.
  • Việc thay đổi/thêm/bớt/chỉnh sửa số trang, hay thêm bớt thiết hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến các số dây còn lại dự án.

Nhược điểm:

  • Ống lồng sau khi in ra có độ dài ngắn khác nhau do phụ thuộc vào số ký tự của tên thiết bị, số chân đấu nối. Do vậy, tính thẩm mỹ khi hoàn thiện tủ điện không cao lắm.
  • Tốn vật tư ống lồng vì số ký tự trên ống khá nhiều.
  • Cần tỉ mỉ hơn trong quá trình thiết kế.

Nhận xét chung cho cách này: Tuy có mất thời gian hơn trong việc thiết kế, nhưng bù lại, người thi công tủ, đấu nối, giám sát công trình và sau này là công tác bảo hành/bảo trì có được rất nhiều sự thuận tiện, thường dược sử dụng trong các dự án lớn. Bản vẽ khoa học, logic, dễ đọc, chỉnh sửa hay thay đổi bản vẽ thiết kế cũng đỡ tốn công sức hơn. Do vây, đây là cách mà các chủ đầu tư khó tinh hay yêu cầu đơn vị thiết kế phải thực hiện, tính về lợi ích lâu dài, sẽ có lợi cho nhà máy/người sử dụng cuối cùng.

Tổng kết: Eplan có chức năng đánh số dây tự động. Đánh số thứ tự theo cách 1 là mặc định có sẵn của phần mềm. Eplan rất linh hoạt trong việc người sử dụng có thể tùy chỉnh theo định dạng khác nhau như đã nói ở trên. Việc cài đặt thông số để Eplan đánh số tự động theo các định từ đơn giản đến phức tạp đòi hỏi người thiết kế phải có chút ít kinh nghiệm, cộng thêm một số kỹ năng hoặc kết hợp với các phần mềm xử lý khác để linh hoạt quá trình đánh dây tự động, tiết kiệm thời gian thiết kế.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *